Powered By Blogger

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Thêm một mùa trăng không tròn.


"Sao anh vội ngỏ lời 
Vào một đêm trăng khuyết 
Để bây giờ thầm tiếc 
Một vầng trăng chưa tròn!"
Thơ Phi Tuyết Ba



Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

My fatherland!

Bạn có thể chê tôi về kỹ thuật chụp ảnh. Tôi chỉ đi ngang qua, ngồi trên yên xe và bấm máy.

Bạn càng có thể chê tôi về thiết bị. Tôi chỉ có thế thôi!

Nhưng đừng chê tôi về bức ảnh. Tất cả những người đi gặt chiều nay đều là phụ nữ. Da họ không đẹp đâu. Cực kỳ gai góc, xù xì là đằng khác!

Nhưng tôi vẫn thấy họ rất đẹp. Nét đẹp mộc mạc, mạnh khỏe của những người lao động, điều mà tôi không thấy ở chốn tôi dung thân.

Mẹ bảo: Phúc chán. Còn có quê mà về!













Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

CHỢ CÔN TRÙNG SKUN-CAMBODIA


Chợ côn trùng nằm tại thị trấn Skun thuộc tỉnh Kamphong Cham, cách thủ đô Phnom Penhkhoảng 70 km. Đây là một địa điểm dừng chân của tuyến đường từ Phnom Penh đi Siem Riep.


Giống như một chợ quê ở Việt Nam. Diện tích chợ khoảng 5000 m2, hai bên hông chợ được chia thành những gian hàng bày bán trái cây, đồ ăn, đặc biệt là  các món ăn côn trùng: Nhện, bò cạp, nhộng, sâu, bọ cánh cứng, dế, cào cào...






Những con trùng  rất đáng sợ đối với  nhiều người nhưng ở Cam côn trùng lại là nguồn  dinh dưỡng và được coi là món ăn vặt hàng ngày.


Vượt qua nỗi sợ, hãy thử một vài con cà cuống, nhện đất, bọ cạp.... thơm lừng, béo ngậy, bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế trong ẩm thực xứ Thốt Nốt.



Cà cuống rất hiếm ở Việt Nam, nhưng ở Cambodia thì sẵn do người dân ít dùng thuốc trừ sâu, Điều thú vị là người Cam không biết trích xuất tinh dầu cà cuống. Họ chỉ chiên cả con và ăn!




Chợ có bán nhện  sống, mối chúa để cho những ai thích ngâm rượu. Nếu bạn không ngại rắc rối với Hải quan thì một vài chú nhện sống trong lọ cũng là một món quà thú vị!

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

CỤ ÔNG TRÁNG BÁNH ĐA Ở TRƯỜNG GIANG

Trong một cái lều xiêu vẹo mù mịt khói ở xã Trường Giang, huyện Nông Cống, có một cụ ông làm nghề tráng bánh đa. Cụ khoảng 70 tuổi trông quắc thước, khỏe mạnh với làn da đỏ au và bộ râu trắng như cước.



Quy trình của cụ lặp đi lặp lại rất nhịp nhàng, đều đặn: Múc bột, dùng muôi dàn đều trên mặt tấm vải màn bịt trên nồi nước sôi, rắc vừng, đậy vung, mở vung, thêm một lớp bột, đậy vung, chờ bánh chín rồi dùng ống nứa lấy bánh ra, trải đều trên mặt tấm đan để bà mang ra sân phơi. Ông mất khoảng 2 phút để hoàn thành một sản phẩm. Mỗi cái bánh đa như thế có giá 5000đ.



Bà kể ông nguyên là lính chiến. Năm 1976 ông phục viên về quê và không được hưởng chế độ gì. Ông bảo hòa bình rồi, hoàn thành nhiệm vụ với dân với nước rồi. Nhà nước không nuôi thì ta nuôi nhau.
Và ông bà nuôi nhau từ đấy đến giờ!

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

LĂNG MỘ ĐÔ ĐỐC QUẬN CÔNG LÊ TRUNG NGHĨA

      Quần thể khu di tích lăng mộ đá tại phố Nam Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa. Đây là khu 
kiến trúc rất độc đáo, mang đậm dấu ấn điêu khắc đá xứ Thanh.



Lê Trung Nghĩa tức Mãn Quận công là một vị hoạn quan thời Lê Trung Hưng. Ông bị giết trong một trận giao tranh với quân của Nguyễn Hữu Chỉnh  trên địa phận huyện Tĩnh Gia năm 1786.








Trước mặt khu lăng mộ là cụm tượng đá thiên tạo Hòn Vọng phu Thanh Hóa.



Trải qua hơn 200 năm với nhiều thăng trầm lịch sử, bom đạn chiến tranh, khu lăng mộ bị tàn phá nhiều. Đền không còn, chỉ còn lại vài cột đá. Nhưng may mắn vẫn còn những bức tượng bằng đá nguyên khối, các võ tướng, voi, ngựa, rùa, ngai, nghêu, đầu rồng...và còn 4 tấm bia đá còn khá rõ khắc chữ hán cổ là văn tự của cụ Lê Quý Thuần, con trai bác học Lê Quý Đôn biên soạn.







Trông coi khu lăng mộ là cụ bà Lê Thị Nguyệt, khoảng hơn 70 tuổi(Ảnh). Ông bà làm một cái nhà nổi trên mặt hồ sen cũ của đền.

Trước khi vào tham quan, bạn nên thắp hương ở cổng vào, sát vị trí con rùa đá, như là một thủ tục để báo cáo.

Cảm ơn NAG Võ Anh Minh đã giới thiệu khu di tích rất độc đáo này.